Giáo sư gốc Việt được tài trợ $2.3 triệu nghiên cứu keo sinh học tái tạo sụn
Giáo Sư Thanh Nguyễn của trường đại học University of Connecticut được Viện Y Tế Quốc Gia (NIH) và Viện Kỹ Thuật Sinh Học và Kỹ Thuật Hình Ảnh Y Sinh Quốc Gia (NIBIB) đồng tài trợ cho ông và nhóm nghiên cứu $2.3 triệu để nghiên cứu keo sinh học tái tạo sụn.
13:05 02/07/2025
Nguồn ngân khoản này để ông và nhóm nghiên cứu thực hiện đề án phát triển một loại keo hydrogel có thể hấp thu bằng cách chích qua da, được chế tạo để kích thích tiến trình tái tạo sụn ở các mô hình động vật cỡ lớn, theo bản tin được UConn công bố hôm Thứ Hai, 23 Tháng Sáu.

Hoa Kỳ có hàng triệu người bị bệnh viêm xương khớp, một chứng bệnh đau khớp làm mòn sụn và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng vận động. Thuốc giảm đau chỉ có công dụng xoa dịu chứng bệnh và giải phẫu thì có thể gây nhiễm trùng và tình trạng đào thải từ hệ thống miễn dịch.
Là một giáo sư kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật y sinh của trường đại học University of Connecticut, ông Thanh Nguyễn dẫn đầu một nhóm nghiên cứu, tin rằng trong tương lai, chỉ cần một tia lửa điện nhỏ, và một ống chích là người ta có thể trị được bệnh xương khớp.
“Bằng các phương pháp điều trị hiện tại, chúng tôi đang kiểm soát cơn đau chứ không phải làm lành thương tổn ở mô,” Giáo Sư Thanh nói. “Chúng tôi hy vọng rằng các chuyển động cơ học của chính cơ thể, chẳng hạn như đi bộ, có thể tạo ra các xung lực điện từ nhỏ giúp tái tạo sụn.”
Sáng kiến này tận dụng các xung lực điện sinh học tự nhiên trong cơ thể nhằm thôi thúc tiến trình làm lành vết thương. Loại gel được chích qua da chứa một bộ áp điện, một hợp chất hình thành từ các sợi nano poly-L-lactic axit (PLLA) có thể phân hủy sinh học và các hạt magnesium oxide có kích thước nano. Khi có tác động từ ứng suất cơ học, chẳng hạn như chuyển động của khớp hoặc siêu âm, bộ áp điện sẽ phát ra các điện tích nhỏ.
“Bằng cách truyền xung lực [điện] trực tiếp tới các vùng bị thương tổn, bộ áp điện có thể thôi thúc tế bào hoạt động và thúc đẩy tiến trình tái tạo sụn chắc khỏe, bền bỉ, đặc biệt là ở các khớp chịu trọng lực nặng như đầu gối và hông,” Giáo Sư Thanh cho biết.
Bộ áp điện bắt chước các xung lực điện từ tự nhiên trong cơ thể tham gia vào tiến trình phát triển và tái tạo mô.
Nghiên cứu mới nhận tài trợ có tên “Bộ Áp Điện Không Tế Bào Trị Viêm Xương Khớp Ở Động Vật Cỡ Lớn Bằng Cách Chích Qua Da” sẽ kéo dài tới năm 2029. Nghiên cứu này dựa trên hai nghiên cứu trước đó do Giáo Sư Thanh thực hiện sau khi hợp tác với cựu sinh viên Tiến Sĩ Yang Liu (nay là giáo sư Đại Học Bắc Kinh, Trung Quốc) và học trò cũ của ông là Tiến Sĩ Tra Vinikoor khóa 2024 (nay là cố vấn cho Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm – FDA). Trong các nghiên cứu này, nhóm đã chích keo hydrogel vào đầu gối của thỏ bị tổn thương sụn và trong vòng hai tháng, sụn bắt đầu tái tạo, và đầu gối dần dần hoạt động bình thường.
Trong bốn năm tới, nhóm nghiên cứu do Giáo Sư Thanh dẫu đầu sẽ thí nghiệm hiệu quả của keo hydrogel trên động vật cỡ lớn, một kế hoạch quan trọng trước khi thí nghiệm lâm sàng trên người. Cùng với bốn nguồn ngân khoản khác do Đề Án Nghiên Cứu NIH (RO1) tài trợ cho công trình nghiên cứu của Giáo Sư Thanh liên quan tới nguyên liệu sinh học áp điện, nhóm hy vọng rằng kết quả của đề án này sẽ chứng minh rằng chỉ cần chích một mũi duy nhất là thành công, tiếp theo là các buổi siêu âm ngắn bên ngoài, có thể phục hồi đáng kể công năng của sụn trong các trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng.

Nguồn ngân khoản từ NIH và NIBIB là khoản tài trợ thứ tư mà Giáo Sư Thanh nhận được trong năm tài khóa 2025. Các nguồn ngân khoản khác gồm có Quỹ Gates tài trợ $4 triệu cho đề án “Kỹ nghệ MAP nhằm phục vụ cho việc quản lý riêng biệt cũng như giải quyết bệnh bại liệt và các bệnh khác,” NIH và NIBIB đồng tài trợ $2.1 triệu cho “Khung xương tổng hợp tự nạp điện sinh học,” và NIH và Viện Dị Ứng và Bệnh Lây Nhiễm Quốc Gia (NIAID) đồng tài trợ $1.5 triệu cho đề án “Kỹ nghệ miếng dán vi kim Multi-bNAbs tân tiến phòng ngừa HIV-1 ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.”
Ngoài ra ông Thanh còn là Diễn Giả Danh Dự trong một phiên tọa đàm do Hiệp Hội Nghiên Cứu Nguyên Liệu tổ chức năm 2025. Ông từng trình bày về công trình nghiên cứu “Những cải tiến hiện tại từ nguyên liệu gốc sợi nano phân hủy sinh học và hỗ tương sinh học cho kỹ thuật mô và phân bổ dược phẩm.”

Làm thế nào để giàu có hơn ở tuổi 40?
Ở tuổi 40, nhiều người đạt đỉnh cao sự nghiệp và thu nhập, nhưng cũng là thời điểm cần bắt đầu nghiêm túc với kế hoạch tài chính dài hạn, đặc biệt cho giai đoạn nghỉ hưu.