Vì sao nhiều người trẻ Mỹ tin các khóa học làm giàu?

Những khóa học làm giàu đang chế giễu giảng đường đại học và gieo rắc vào tâm trí Gen Z về đường tắt dẫn đến giàu sang.

11:33 03/05/2025

Vài năm trước, cánh cửa thực tập tại Hollywood khép lại, giáng đòn mạnh vào giấc mơ trở thành đạo diễn của Nehemiah Jordan, sinh viên năm hai Đại học Liberty, Mỹ.

Anh đã tìm lối thoát và vớ được Closer Cartel, khóa học bán hàng trực tuyến hứa hẹn giàu nhanh, rẻ hơn và dễ hơn đại học.

"Thay vì nghe những giáo sư nghèo rao giảng về cuộc sống tầm thường, bạn sẽ hấp thụ kỹ năng từ người đang sống cuộc đời mơ ước", trang web của Closer Cartel viết.

Ảnh minh họa: BI
Ảnh minh họa: BI

Trong một video quảng cáo, nhà sáng lập Luke Alexander, 25 tuổi, lái Mercedes, đi du thuyền và nói tự hào vì bỏ học đại học. "Đến trường, lấy bằng cấp, rồi làm việc đến khi nghỉ hưu không còn là con đường an toàn nữa", Luke nói.

Jordan thử. Vài tuần miệt mài với khóa tự học về bán hàng từ xa, anh lại được Alexander thuyết phục "khai phá sâu hơn về bán hàng" nếu gia nhập khóa học của Iman Gadzhi, YouTuber 25 tuổi người Anh gốc Nga có 5,5 triệu người theo dõi.

Gadzhi điều hành một đế chế nhỏ gồm các khóa học trực tuyến, tuyên bố dạy mọi người cách khởi nghiệp kinh doanh. Trang web của anh tuyên bố đã có hơn 30.000 học viên.

Gadzhi, người tự hào "bỏ học cấp ba", cũng tuyên bố trong nhiều video và tài liệu quảng cáo rằng đại học là một "cái hố tiền và sản sinh ra những con cừu". Trong một video khác anh ta nói với một học sinh trung học rằng cậu có nguy cơ "lãng phí bốn năm vào kiến thức lỗi thời" và gọi hệ thống bằng cấp đại học là "nô lệ hiện đại".

Jordan sau đó trở thành huấn luyện viên bán hàng tại một trong các khóa học của Gadzhi, lôi kéo những nam giới trẻ tuổi khác vào những khóa học tương tự.

Iman Gadzhi trong một video gần đây với nội dung Sự thật tàn khốc về cách làm giàu. Ảnh: YouTube
Iman Gadzhi trong một video gần đây với nội dung "Sự thật tàn khốc về cách làm giàu". Ảnh: YouTube

Câu chuyện của Jordan là một trong những minh chứng cho niềm tin của người Mỹ vào đại học đang xói mòn. Cuộc thăm dò của Gallup năm 2024 cho thấy chỉ 36% số người được hỏi có "rất nhiều" niềm tin vào hệ thống giáo dục đại học, giảm mạnh so với 57% vào năm 2015. Tỷ lệ có "rất ít niềm tin" leo thang từ 9% lên 22%.

Theo Pew, chỉ 22% người Mỹ tin đại học là đáng giá nếu phải vay nợ. Trong khi đó, Gen Z kỳ vọng thu nhập hàng năm gần 600.000 USD, gấp 10 lần thu nhập bình quân ở Mỹ và tài sản ròng gần 10 triệu USD mới là "thành công tài chính".

Các giáo sư trên khắp đất nước cũng chứng kiến sự thay đổi rõ rệt ở sinh viên. Họ ghi nhận sự gia tăng số lượng sinh viên đại học chán nản trước viễn cảnh đọc sách, ngày càng lệ thuộc ChatGPT và xem trải nghiệm đại học như một phương tiện đạt được việc làm.

"Người trẻ cũng ngày càng ý thức sâu sắc hơn về sự cần thiết của những thay đổi kinh tế lớn để họ có cơ hội an toàn kinh tế hơn khi ra trường", Jon Shelton, giáo sư tại Đại học Wisconsin, Mỹ nhấn mạnh. "Họ nhận ra ngay cả khi học đúng ngành và có được việc làm vẫn có thể mắc kẹt tại Starbucks".

Giờ đây, một kiểu "giáo sư" mới đang cung cấp một con đường nhanh hơn dẫn đến thịnh vượng. Lợi dụng những nghi ngờ ngày càng tăng của Gen Z về giáo dục đại học, sự hấp dẫn của mạng xã hội đối với sự giàu có dễ dàng và một cuộc khủng hoảng về nam tính, một ngành công nghiệp các chuyên gia khóa học làm giàu đã trỗi dậy.

Ngoài Alexander và Gadzhi, còn rất nhiều "bậc thầy" dạy làm giàu khác ở độ tuổi 20-30 cũng bán các khóa học tương tự, phần lớn nhắm vào nam giới trẻ tuổi.

Và ngay cả một số công ty công nghệ như Palantir hay những người bỏ học nổi tiếng như Mark Zuckerberg cũng bắt đầu công khai hoài nghi về giá trị thực tế của đại học.

Để phục vụ bài viết, nhà báo Miles MacClure đã chi 37 USD mỗi tháng để theo học khóa Digital Launchpad và nhanh chóng nhận ra nội dung thiên về khẩu hiệu hơn chiến lược thực tế. Điểm cốt lõi của khóa học không chỉ là dạy kiếm tiền, còn quảng bá lối sống theo hình mẫu của Gadzhi như tránh xa chất kích thích, mạng xã hội, thậm chí bỏ theo dõi bạn bè.

MacClure nhận thấy cộng đồng học viên trong khóa học hoạt động sôi nổi trên Discord, với hệ thống phân cấp dựa trên đóng phí. Một số học viên tin tưởng tuyệt đối vào khóa học. Số khác đăng tải ảnh chụp khoản tiền kiếm được để làm bằng chứng thành công, dù có nhiều người khác vẫn chưa có thu nhập nào sau gần một năm theo học.

Không ít nhà nghiên cứu đã cảnh báo về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Gadzhi lên giới trẻ, đặc biệt là những cậu bé tuổi teen. Họ cho rằng các khóa học kiểu này lợi dụng khát khao giàu nhanh, giàu dễ của người trẻ với lời hứa suông, hình ảnh siêu xe, biệt thự và phụ nữ đẹp.

Giáo sư David Deming, chuyên ngành kinh tế chính trị tại Đại học Harvard cho biết giáo dục đại học vốn không chỉ hướng tới mục tiêu tài chính. Nhưng trong bối cảnh kinh tế bất ổn và học phí tăng không ngừng, những giá trị như trở thành công dân hiểu biết, tư duy phản biện, hay học để mở mang tri thức dễ bị lu mờ.

"Các trường đại học hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa trong việc chuẩn bị cho sinh viên bước vào nghề nghiệp", David nói.

Ông nhấn mạnh có bằng cấp vẫn là một khoản đầu tư đáng giá. Năm 2023, thu nhập trung bình của người có bằng đại học là 60.000 USD mỗi năm, so với 36.000 USD ở người chỉ tốt nghiệp phổ thông. Ở độ tuổi trung niên (45-50), thu nhập của người có bằng đại học cao hơn 60–70% so với người không học tiếp.

Về phần Nehemiah Jordan đã quyết định hoàn thành bằng đại học vì nhận ra các chương trình online khó có thể thay thế, ít nhất là về mặt trải nghiệm. "Việc được ở cạnh những người cùng độ tuổi, cùng giai đoạn trưởng thành là thứ đại học mang lại mà môi trường số khó thể sao chép", Jordan nói.

Dù vậy, cậu cũng thất vọng vì cảm thấy đại học không cho mình một định hướng rõ ràng. "Thực sự thì chúng ta đang học cái gì? Chúng ta xây dựng kỹ năng nào? Mọi thứ trở nên rất mơ hồ", Jordan nói.

Bảo Nhiên (Theo BI)

Tags:
Doanh số McDonald's suy giảm khi nhiều người lo ngại thuế quan

Doanh số McDonald's suy giảm khi nhiều người lo ngại thuế quan

Lo ngại thuế quan, người tiêu dùng hạn chế ăn uống bên ngoài khiến doanh số bán cùng cửa hàng của McDonald's trên toàn cầu bất ngờ giảm 1%.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất