Thỏa thuận thuế với Trung Quốc phơi bày giới hạn sức mạnh của Mỹ
Việc Mỹ đạt thỏa thuận giảm đáng kể thuế quan với hàng hóa Trung Quốc cho thấy họ dường như yếu thế hơn Bắc Kinh trong một cuộc cạnh tranh dài hơi.
22:18 13/05/2025
Sắc lệnh mà Tổng thống Donald Trump ký hồi đầu tháng 4 áp mức thuế 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã cho thấy sức mạnh và tầm ảnh của chính sách thương mại Mỹ, khi nó gây ra những biến động mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Các hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đã khiến phần lớn hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đóng băng. Chúng buộc các công ty Mỹ phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, nhập khẩu ít hơn từ Trung Quốc và nhiều hơn từ những quốc gia khác chịu mức thuế thấp hơn. Đòn thuế khiến hàng loạt nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và đẩy một số nhà nhập khẩu Mỹ đến bờ vực phá sản.

Nhưng chỉ sau vài tuần, hệ lụy từ biện pháp thuế đã được chứng minh là quá đau đớn đối với các doanh nghiệp Mỹ, khiến ông Trump phải cân nhắc lại việc tiếp tục duy trì chúng. Sau nhiều thông điệp cứng rắn, các quan chức chính quyền Trump gần đây đánh giá rằng mức thuế Tổng thống chọn áp đặt lên một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là không bền vững và họ đang tìm cách kéo giảm chúng.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại Geneva hồi cuối tuần trước kết thúc với một thỏa thuận giảm đáng kể các khoản thuế mà hai nước áp lên hàng hóa của nhau, vượt qua dự đoán từ nhiều nhà phân tích.
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giờ đây chỉ phải chịu mức thuế tối thiểu 30%, giảm từ 145%. Trung Quốc trong khi đó giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ xuống 10%, từ mức 125%. Hai nước cũng nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán để ổn định mối quan hệ.
Việc Trung Quốc nhất quyết không nhượng bộ trước áp lực thuế dồn dập hay các tuyên bố cứng rắn ban đầu từ chính quyền Trump đã khiến không ít người đặt ra câu hỏi liệu những gián đoạn thương mại trong hơn một tháng vừa qua mà Mỹ tạo ra có xứng đáng hay không?
"Thỏa thuận Geneva là một bước rút lui gần như hoàn toàn của Mỹ, cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đã chính xác khi quyết định đáp trả mạnh mẽ", Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, nhận xét.
Mặc dù Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn khẳng định Mỹ nắm giữ các quân bài mạnh nhất khi bước vào đàm phán, động thái nhượng bộ của ông đã phơi bày những lỗ hổng rõ ràng trong chính sách gây áp lực bằng thuế quan trước một đối thủ mạnh và quyết tâm "đấu đến cùng".
Theo giới quan sát, chiến lược thương mại mà ông Trump áp dụng thời gian qua là áp đặt thuế đối ứng và tăng thuế suất lên mức gây sốc, với hy vọng rằng đối phương sẽ nhanh chóng nhượng bộ.
Nhưng khi đối đầu với một cường quốc kinh tế có sức mạnh tương đương và sẵn sàng chịu đựng đau đớn lâu dài, chiến lược này đã không phát huy hiệu quả, thậm chí còn "phản đòn", gây tác dụng ngược lên nền kinh tế Mỹ, làm gia tăng đáng kể áp lực trong nước. Tổng thống Mỹ buộc phải chọn cách rút lui, tuyên bố việc Trung Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với ông đã là chiến thắng.
Về phía Mỹ, giới chức nước này cơ bản nói rằng họ đã xác định không muốn, hoặc không có ý định, đi theo con đường mà đòn thuế của Tổng thống đã đẩy Mỹ vào, đó là tách rời hoàn toàn nền kinh tế khỏi Trung Quốc.
"Chúng tôi kết luận hai nước có lợi ích chung", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói trong một cuộc họp báo ở Geneva. "Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào muốn tách khỏi nhau".
Phát biểu trên là một bước thay đổi rõ rệt so với những tuyên bố trước đây của Bộ trưởng Bessent, khi ông khẳng định cuộc chiến thương mại sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Trung Quốc vì họ phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
"Họ có nền kinh tế mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại", ông Bessent tháng trước nói với kênh Fox Business. "Và tôi nói rằng những bước leo thang này sẽ đem đến thất bại cho họ".
Các biện pháp thuế quan đã gây ra nhiều tổn thương cho Trung Quốc, nhưng chúng cũng dẫn đến những xáo trộn nghiêm trọng với nền kinh tế Mỹ. Các công ty Mỹ đã bắt đầu phát đi cảnh báo về những khó khăn sắp tới với người tiêu dùng khi họ buộc phải tăng giá và các sản phẩm cũng trở nên khan hiếm hơn.
Các nhà sản xuất Mỹ đặc biệt lo ngại về những biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Trung Quốc áp dụng đối với những khoáng sản quan trọng. Và trong khi các lô hàng từ Trung Quốc xuất sang Mỹ trong tháng 4 giảm 21% so với cùng kỳ một năm trước, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á lại tăng vọt 21%. Điều này là bằng chứng rõ ràng nhất về việc Bắc Kinh hoàn toàn có thể tìm ra những kênh khác để duy trì cỗ máy xuất khẩu khổng lồ của mình.
Quyết định hạ thuế quan với Trung Quốc trong 90 ngày mang lại quãng thời gian trì hoãn đáng mừng cho các doanh nghiệp, nhưng không thể giúp giảm bớt áp lực bất ổn dài hạn đang đè nặng lên hàng loạt công ty Mỹ. Hai nước hiện đặt ra thời hạn đến giữa tháng 8 để đạt được những bước tiến hướng tới một thỏa thuận thương mại.
Tổng thống Trump sáng 12/5 cho hay nếu hai nước không thể đạt được thỏa thuận trong thời hạn trên, các mức thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng trở lại đáng kể, dù không đến 145%.
"Ở mức 145%, hai nước thực sự đang tách khỏi nhau vì sẽ không có ai mua hàng cả", ông nói.
Các nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu khác thở phào nhẹ nhõm khi thương mại giữa hai nước có thể lưu thông trở lại, nhưng họ mong thời gian trì hoãn sẽ kéo dài hơn 90 ngày.
Giám đốc điều hành Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Matthew Shay gọi việc tạm dừng này là "bước khởi đầu quan trọng mang đến phao cứu sinh trong ngắn hạn cho các nhà bán lẻ và doanh nghiệp đang đặt hàng cho kỳ lễ hội mùa đông sắp tới".
Dù vậy, Gene Seroka, giám đốc điều hành Cảng Los Angeles, cho hay mức thuế 30% còn áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn khá lớn. Mặt khác, 90 ngày cũng là khoảng thời gian tương đối ngắn để các công ty có thể khởi động lại các lô hàng từ Trung Quốc đã bị ngừng.
"Đây là điều chưa từng xảy ra, vì vậy chúng ta hãy xem mọi người phản ứng như thế nào", ông nói. "Nhưng dựa trên tâm lý người tiêu dùng, tôi không nghĩ mọi người sẽ sẵn sàng nhảy vào ngay lập tức và nói: 'OK, điều này thực sự tuyệt vời. Chúng ta bắt đầu thôi'".
Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, trụ sở tại Washington còn cho rằng ba tháng là "khoảng thời gian quá ngắn để giải quyết hàng loạt vấn đề thương mại gây tranh cãi còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc", trong đó có cả vấn đề thặng dư thương mại ngày càng lớn của Bắc Kinh. "Những cuộc đàm phán như vậy thông thường phải diễn ra trong hơn một năm".

Tổng thống Trump cho hay những cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung một phần vào việc "mở cửa" thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ. Các quan chức chính quyền Mỹ nói họ đã nhất trí về mục tiêu đàm phán ở mức độ thường xuyên với Bắc Kinh, đồng thời gợi ý rằng một số cuộc đàm phán có thể tập trung vào việc thúc đẩy Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ, giúp cân bằng thương mại.
Chưa rõ điều gì có thể tạo ra khác biệt cho những nỗ lực này so với những cuộc đàm phán trong quá khứ. Các quan chức Mỹ đã chỉ trích kiểu đối thoại cấp chuyên viên, lặp đi lặp lại mà những chính quyền trước đây tổ chức với Trung Quốc, coi đó về cơ bản là việc làm lãng phí thời gian.
Giới chức Trung Quốc cũng từng đồng ý tăng mua hàng hóa Mỹ trong một thỏa thuận thương mại ký kết năm 2020, dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhằm giúp cân bằng thương mại song phương, nhưng cuối cùng, Bắc Kinh đã không thực hiện những cam kết này.
Tuy nhiên, chính quyền Trump hiện tại dường như có ý định khôi phục thỏa thuận đó. Trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC hôm 12/5, Bộ trưởng Bessent cho hay thỏa thuận năm 2020 có thể đóng vai trò là "điểm khởi đầu" cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
"Mọi người đều nghĩ rằng điều quan trọng nhất là phải thuyết phục Trung Quốc tuân thủ giai đoạn một thỏa thuận năm 2020 bởi đây sẽ là nền tảng thúc đẩy nhiều vấn đề", Michael Pillsbury, cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho hay.
Các nhà phân tích khác nhận định chính quyền Trump rất có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc để ngăn chặn dòng chảy fentanyl vào Mỹ cũng như nỗ lực đạt được tiến triển trong các vấn đề thương mại khác, như tình trạng thống trị của Bắc Kinh đối với một số ngành công nghiệp nhất định.
"Hai chính phủ đã tự mở ra cho mình cơ hội để đạt được điều gì đó về vấn đề fentanyl và mua hàng", Myron Brilliant, cố vấn cấp cao tại DGA-Albright Stonebridge Group, công ty chuyên tư vấn cho khách hàng về Trung Quốc, nói. "Nhưng Trung Quốc sẽ đồng ý những điều gì khác vẫn là một câu hỏi lớn, xét đến những lo ngại dai dẳng lâu nay từ phía Mỹ đối với chính sách thương mại của họ".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, AP)

Phụ nữ Canada chắt bóp làm đẹp trong nỗi lo suy thoái
Trào lưu làm đẹp, mua sắm tiết kiệm lan truyền ở Canada, phản ánh tâm lý thắt chặt chi tiêu của phụ nữ nước này trong thời lạm phát.