Lý do công tắc nhiên liệu máy bay nằm ở vị trí dễ tiếp cận

Công tắc nhiên liệu thường được bố trí quanh cần ga, cho phép phi công thuận tiện hơn trong quá trình vận hành máy bay và ứng phó sự cố.

22:15 14/07/2025

Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) ngày 11/7 công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi máy bay Boeing 787 chở 242 người của hãng Air India hồi tháng trước, cho biết các công tắc điều khiển nhiên liệu vào hai động cơ đã bị gạt từ vị trí "hoạt động" xuống "ngắt", lần lượt cách nhau một giây.

Theo dữ liệu từ hộp đen, chuyện này xảy ra chỉ vài giây sau khi máy bay rời mặt đất, khiến các động cơ mất lực đẩy. Trong đoạn ghi âm buồng lái, một phi công hỏi tại sao người kia lại ngắt nhiên liệu, phi công còn lại đáp rằng anh ta không làm vậy. Báo cáo không nêu rõ ai là cơ trưởng và cơ phó trong cuộc đối thoại.

Báo cáo sơ bộ đã nêu nguyên nhân chính khiến máy bay Air India gặp nạn, nhưng không cho biết vì sao công tắc nhiên liệu bị chuyển sang trạng thái ngắt, liệu đó là hành động vô tình, cố ý hay lỗi kỹ thuật.

Vị trí công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times
Vị trí công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times

Công tắc nhiên liệu có nhiệm vụ kiểm soát van cấp dầu cho động cơ. Ở trạng thái hoạt động, van cấp dầu sẽ mở và cung cấp nhiên liệu để động cơ vận hành. Khi đưa công tác về trạng thái ngắt, nguồn nhiêu liệu sẽ bị chặn và động cơ máy bay ngừng hoạt động hoàn toàn.

Hai công tắc nhiên liệu trên máy bay Boeing 787 nằm trên bảng điều khiển trung tâm buồng lái, ngay dưới cần ga, vị trí mà thuận tay cho phi công trong các giai đoạn bay quan trọng.

Khi đẩy lùi khỏi bãi đỗ và chuẩn bị ra đường lăn, phi công sẽ gạt công tắc từ dưới lên, chuyển từ "ngắt" sang "hoạt động" để khởi động động cơ, và theo đà sẽ đặt tay lên cần ga để kiểm soát lực đẩy động cơ. Khi trở về bãi đỗ, phi công thu cần ga và theo đà tay gạt công tắc từ "hoạt động" về "ngắt" để tắt động cơ và kết thúc chuyến bay, theo Hindustan Times.

Vị trí của hai công tắc còn cho phép phi công nhanh chóng thao tác khi xảy ra tình huống khẩn cấp, như động cơ bị cháy hoặc ngừng hoạt động trên không. Trong trường hợp như vậy, phi công đều phải thu tay ga về vị trí lực đẩy tối thiểu, sau đó điều chỉnh công tắc để tắt hoàn toàn hoặc khởi động lại động cơ.

Đây cũng là vị trí hãng máy bay Airbus của châu Âu đặt công tắc nhiên liệu, dù thiết kế có phần khác biệt so với Boeing. Hai công tắc của Airbus có viết ENG 1 và ENG 2 tương ứng với hai động cơ, kèm đèn báo hiệu phía dưới.

Vị trí hai công tắc nhiên liệu trên máy bay của Airbus. Ảnh: YouTube/SabiJetTech
Vị trí hai công tắc nhiên liệu (khoanh đỏ) trên máy bay của Airbus. Ảnh: YouTube/SabiJetTech

Trong khi đó, hãng sản xuất máy bay Brazil Embraer lại bố trí nút cấp nhiên liệu ở phía trên, tiếp đó là nút khởi động động cơ rồi mới đến cần ga.

Do dễ tiếp cận, các hãng máy bay đều có biện pháp bảo vệ để tránh công tắc bị gạt nhầm. Tiêu chuẩn này được cho là có từ những năm 1950.

Boeing bố trí khung bảo vệ ở hai bên công tắc. Mỗi công tắc đều được lắp cơ chế khóa chặn kèm lò xo, giúp giữ nó ở vị trí cố định. Để chuyển trạng thái, phi công phải nắm vào núm công tắc và kéo lên với lực nhất định rồi mới có thể di chuyển nó. Hai vị trí "hoạt động" và "ngắt" cũng được in hoa rõ ràng trên bảng điều khiển.

"Bạn không thể vô tình thay đổi vị trí các công tắc này. Chúng có lò xo và chốt khóa để tránh xảy ra nhầm lẫn", John Cox, cơ trưởng về hưu kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn an toàn hàng không Safety Operating Systems ở Mỹ, nói với Reuters.

Phi cơ Airbus cũng có cơ chế khóa chặn bằng lò xo, tránh công tắc vô tình bị thay đổi vị trí. Trên phi cơ Embraer, hai nút cung cấp nhiên liệu cho động cơ có màu nổi bật và được che chắn bằng nắp đậy.

Bảng điều khiến trung tâm của máy bay E190-E2 của Embraer. Ảnh: Aviation Week
Công tắc nhiên liệu trên bảng điều khiển trung tâm của máy bay Embraer E190-E2. Ảnh: Aviation Week

Theo các chuyên gia an toàn hàng không, phi công trên máy bay Air India gạt nhầm cùng lúc cả hai công tắc là điều gần như không thể xảy ra.

"Nếu một trong hai phi công gây ra sự cố, thì câu hỏi được đặt ra là tại sao họ làm vậy. Đó là hành động có chủ ý hay là do bối rối. Cả hai dường như đều không phải, khi báo cáo điều tra cho thấy hai phi công không có trao đổi nào bất thường", Shawn Pruchnicki, chuyên gia hàng không tại Đại học bang Ohio của Mỹ, nói với BBC.

Người nhà của các nạn nhân trong thảm kịch tỏ ra thất vọng với báo cáo sơ bộ. "Ngoài trao đổi cuối cùng giữa các phi công, không có gì chỉ ra được nguyên nhân tai nạn", Imtiyaz Ali, người mất anh trai, chị dâu cùng hai cháu trong thảm kịch, cho hay.

Ali hy vọng giới chức Ấn Độ sẽ cung cấp thêm thông tin trong thời gian tới. "Điều đó rất quan trọng. Chúng tôi muốn biết chính xác chuyện đã xảy ra, dù không thay đổi được điều gì. Ít nhất chúng tôi có câu trả lời", Ali cho biết.

Như Tâm (Theo Reuters, Hindustan Times, BBC)

Tags:
Ông Trump kể về quyết tâm 'cứu nước Mỹ' sau vụ ám sát hụt

Ông Trump kể về quyết tâm 'cứu nước Mỹ' sau vụ ám sát hụt

Lần thoát chết trong gang tấc ở Pennsylvania tháng 7/2024 khiến ông Trump cảm thấy biết ơn và kiên định với mục tiêu phụng sự đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất