Cách giúp hành lý ký gửi ra băng chuyền sớm nhất
Hành khách có thể lịch sự nhờ nhân viên tại quầy checkin sân bay dán nhãn "hàng dễ vỡ" lên vali ký gửi để có thể nhận đồ sớm hơn khi đứng đợi ở băng chuyền.
00:22 14/07/2025
Việc phải chờ đợi hàng chục phút ở băng chuyền sau chuyến bay dài luôn khiến hành trình trở nên mệt mỏi hơn. Hadleigh Diamond, Giám đốc thương mại của hãng dịch vụ SCS Chauffeurs, tiết lộ nhiều khách hàng của ông thường áp dụng cùng một mẹo nhỏ: yêu cầu dán nhãn "hàng dễ vỡ" lên hành lý khi làm thủ tục.
"Khách hàng của chúng tôi thường nói rằng sự khác biệt giữa một chuyến đi suôn sẻ và căng thẳng thường bắt đầu từ khâu nhận hành lý", Diamond chia sẻ. Phải chờ 30 phút trong khi hành lý người khác lần lượt ra có thể khiến bạn cảm thấy chuyến đi dài thêm.

Theo ông, nhãn "fragile" (dễ vỡ) thường là cứu cánh giúp tiết kiệm thời gian. Diamond từng nhận được mẹo này từ cả nhân viên mặt đất lẫn các khách bay thường xuyên. Hành khách khi ra sân bay làm thủ tục chỉ cần lịch sự yêu cầu nhân viên quầy checkin dán nhãn dễ vỡ lên vali.
Hành lý được gắn nhãn dễ vỡ thường được bốc xếp sau cùng để tránh bị đè nặng, và do đó cũng được dỡ xuống đầu tiên. Mẹo này giúp khách rút ngắn thời gian chờ đợi tại băng chuyền - điều quý giá khi khách đã quá mệt mỏi sau chuyến bay.
Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian ở sân bay vẫn là chỉ mang theo hành lý xách tay khi đi du lịch.
Thất lạc hành lý ký gửi cũng là nguyên nhân biến chuyến du lịch vui vẻ trở thành cơn ác mộng.
Theo dữ liệu từ website so sánh giá cả Confused.com, các sân bay tại Anh ghi nhận hơn 62.000 trường hợp thất lạc hành lý trong khoảng thời gian 8/2023-8/2024.
Để giúp du khách không rơi vào thế bị động, các chuyên gia từ Hoppa, nền tảng so sánh và đặt dịch vụ vận chuyển, đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể nếu chẳng may bạn rơi vào tình huống thất lạc hành lý.
Đầu tiên, hành khách phải báo ngay tại quầy dịch vụ hành lý tại sân bay, thường nằm gần khu vực băng chuyền. Khách càng hành động sớm, cơ hội xử lý sự cố càng cao. Tiếp theo, khách cần cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt như hãng sản xuất vali, màu sắc, kích thước, chất liệu, nhãn dán đặc biệt và cung cấp hình ảnh nếu có.
Sau đó, khách cần yêu cầu bên sân bay cung cấp mã số báo cáo thất lạc (PIR). Đây là mã số quan trọng để theo dõi hành trình tìm kiếm hành lý và cũng là thông tin bắt buộc khi muốn yêu cầu bảo hiểm bồi thường.
Khách nên hỏi kỹ hãng bay có hỗ trợ chi phí mua các vật dụng thiết yếu như quần áo, đồ vệ sinh cá nhân trong thời gian chờ tìm thấy hành lý hay không, đặc biệt khi đang ở nước ngoài. Nếu hãng không hỗ trợ, khách cần giữ lại hóa đơn mua sắm để cung cấp cho đơn vị bảo hiểm.
Nếu sau 21 ngày vali vẫn chưa được tìm thấy, hành lý được xem là chính thức mất tích. Lúc này, khách cần liên hệ hãng bay để làm thủ tục bồi thường hành lý bị mất. Mỗi hãng có quy định riêng về thời hạn nộp yêu cầu bồi thường, thường dao động 7-21 ngày sau khi xảy ra sự cố.
Theo Công ước Montreal (Công ước thống nhất một số quy tắc về vận chuyển hàng không quốc tế), hãng hàng không có trách nhiệm bồi thường lên tới 1.800 USD nếu hành lý bị mất, hư hỏng hoặc giao trễ. Để nộp hồ sơ, khách cần cung cấp bằng chứng xác thực về hành lý, vật dụng bên trong. Thông tin càng chi tiết, khả năng được bồi thường càng cao.
"Mất hành lý luôn gây căng thẳng nhưng điều tệ hơn là không biết phải làm gì. Phản ứng nhanh, hiểu đúng quy trình sẽ giúp tăng cơ hội tìm lại", CEO Hoppa Chris Harrington nói.
Anh Minh (Theo DM)

Phát hiện hai hòn đảo dịch chuyển xa nhau chỉ trong 3 ngày: Trái đất đang “cựa mình” trước thảm họa?
Một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, hai hòn đảo nhỏ ở phía tây nam Nhật Bản đã dịch chuyển cách nhau gần 10cm chỉ trong ba ngày.