Cuộc đời của cô gái trong sách 'Em phải đến Harvard học kinh tế'
Năm 1999, Lưu Diệc Đình - cô gái là nhân vật trong cuốn "Em phải đến Harvard học kinh tế" trở thành hiện tượng ở Trung Quốc và khơi mào cho làn sóng du học Mỹ.
23:32 22/05/2025
Lưu Diệc Đình, ở Thành Đô, Tứ Xuyên không phải thần đồng bẩm sinh. Mẹ cô, bà Lưu Vệ Hoa, đã sớm cho con tiếp xúc với nhiều tư tưởng tiến bộ. Khi mang bầu, bà đã chuẩn bị tài liệu giáo dục sớm cho thai nhi. Bà tin rằng thiên tài không phải món quà từ trên trời rơi xuống mà nằm ở sự rèn luyện, kỷ luật.

Tư duy này khiến tuổi thơ của Diệc Đình đầy ắp các lớp năng khiếu, học thêm và bài tập. Cô từng chia sẻ, những ngày tháng đó giống như một cuộc chiến không tiếng súng.
Học lớp 4, thành tích Diệc Đình luôn đứng đầu. Để tăng áp lực, bà Hoa chuyển cô sang trường một trường điểm khác. Tại đây, Diệc Đình chỉ xếp thứ 17, buộc cô lao vào học tập điên cuồng hơn. Đến lớp 6, cô vào top 3, sau đó vượt qua 6.000 học sinh để được tuyển thẳng vào Trường Ngoại ngữ Thành Đô.
Lên cấp hai, Diệc Đình sớm thích nghi với cuộc sống nội trú nhờ sự rèn luyện khắc nghiệt từ cha mẹ. Nổi tiếng nhất là bài tập "Nắm chặt cục đá lạnh trong 15 phút". Sau mỗi buổi, tay cô bé tím tái nhưng không phàn nàn, ngược lại còn phấn khích vì đã kiên trì, vượt qua thử thách. Hay bài tập "Đứng kiễng chân" yêu cầu đứng không dưới 30 phút mỗi lần. Những bài rèn luyện này giúp Diệc Đình có ý chí kiên cường.
Diệc Đình vào cấp 3 cùng mục tiêu thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh (Bắc đại) - một trong những đại học danh giá nhất Trung Quốc. Năm 1997, khi đang học cấp ba, Diệc Đình giành được một suất du học trao đổi ngắn hạn tại Mỹ.
Tại Mỹ, trong một lần đến thăm Tòa án tối cao, Diệc Đình gây ấn tượng với thẩm phán Kennedy và các luật sư bằng khả năng tiếng Anh lưu loát, tư duy mạch lạc khi phân tích một vụ án. Cô được luật sư Larry L. Simms để mắt. Ông từng là thư ký cho thẩm phán Tòa án tối cao Byron White và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác.
Sau chuyến đi, Diệc Đình nhận được thư của ông Simms với đề nghị sẽ giúp cô bé vào Đại học Harvard. Tháng 4/1999, sau phỏng vấn, Lưu Diệc Đình nhận giấy báo trúng tuyển Harvard kèm học bổng toàn phần.

Vào những năm 1990, việc Diệc Đình nhận thư mời từ Harvard cùng học bổng toàn phần là sự kiện lớn, thu hút hàng chục hãng truyền thông.
Cha mẹ cô chớp thời cơ cho ra mắt cuốn sách "Cô gái Harvard Lưu Diệc Đình" (bản tiếng Việt là "Em phải đến Harvard học kinh tế"), giới thiệu những biện pháp giáo dục con.
Cuốn sách liên tục cháy hàng, tái bản nhiều lần, bán ra 2,6 triệu bản. Cha mẹ cô tiếp tục ra mắt cuốn thứ hai "Phương pháp học tập và chi tiết bồi dưỡng của Lưu Diệc Đình", cũng rất đắt khách.
Hai cuốn sách cũng dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng phương pháp giáo dục của bà Hoa quá cực đoan. Dù vậy, không thể phủ nhận thành công của Diệc Đình có những điểm đáng học hỏi.
Tại Đại học Harvard, Lưu Diệc Đình theo chuyên ngành Toán ứng dụng và Kinh tế. Trong thời gian học, với thành tích xuất sắc, cô còn đảm nhiệm vai trò chủ tịch hội sinh viên dự án Quan hệ quốc tế và châu Á.
Tốt nghiệp Harvard, cô gái Trung Quốc không học tiếp lên thạc sĩ cũng không về nước "để cống hiến cho Tổ quốc" như lời hứa trước khi du học.
Tháng 10/2003, cô gia nhập Boston Consulting Group. Năm 2010, Lưu Diệc Đình kết hôn với Scott, một luật sư Mỹ và là cựu sinh viên Harvard. Sau khi kết hôn Lưu Diệc Đình bỏ quốc tịch Trung Quốc để trở thành công dân Mỹ.

Để kiếm nhiều tiền, Diệc Đình nhiều lần thay đổi công việc. Sau đó cô cùng bạn bè thành lập công ty quản lý quỹ tại Mỹ, tập trung đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cô từng gia nhập một công ty quỹ của Trung Quốc với vai trò phó chủ tịch, chuyên đầu tư vốn cổ phần tư nhân.
Năm 2015, tại Diễn đàn đầu tư Trường Kinh doanh Cheung Kong ở New York, Diệc Đình đã tham dự và phát biểu cho biết là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của American Swiss Capital, sở hữu tài sản hàng chục triệu USD.
Ngày nay, công chúng dần lãng quên Lưu Diệc Đình dù nhiều người thế hệ 9X vẫn nhớ sự nổi tiếng một thời của cô. Ảnh hưởng lớn nhất cô để lại có lẽ là việc thổi bùng làn sóng du học Mỹ tại Trung Quốc.
Minh Phương (Theo Sina, 163.com)

Lý do có thể khiến bác sĩ bỏ lỡ dấu hiệu ung thư của ông Biden
Ông Biden và các bác sĩ riêng có thể đã không tầm soát ung thư tuyến tiền liệt thường niên, dẫn đến không phát hiện sớm trước khi nó di căn.