Cô gái mồ côi viết lại cuộc đời 'từ đáy vực'
Khi làm xong phần bít tết cuối cùng trong bếp của khách sạn Longyard ở ngoại ô thành phố Tamworth, đồng hồ chỉ 22h, Liên bỗng thấy cảm giác bình yên ngập tràn cơ thể.
08:24 10/05/2025
"Với tôi, đây là điểm tạm kết của một hành trình sống sót", Biện Thị Liên, 32 tuổi, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nói.
Liên mồ côi mẹ từ bé. Cha cô quá đau buồn vì mất vợ mà đắm chìm trong rượu, để mặc hai con bữa no bữa đói. Thương các cháu, ông bà nội đón về nuôi. Ông là thương binh cụt một chân nên gánh nặng dồn lên đôi vai bà.
Cuối năm 2004, bà nội qua đời vì ung thư, ông ngoại và chú ruột cũng lần lượt mất sau đó không lâu. Một năm sau, cha Liên cũng bệnh nặng, không qua khỏi.
"Chỉ còn hai anh em với ông nội. Có lần ông nói, cuộc sống giờ khó khăn quá, mấy ông cháu muốn ở lại bên nhau phải chịu đựng", Liên hồi tưởng.
Bác của Liên khi ấy chạy vạy khắp nơi để tìm lối thoát cho cuộc đời các cháu. Năm 2009, anh trai Liên được nhận vào trường một dạy nghề. Nhưng chưa kịp nhập học cậu gặp tai nạn giao thông, trút hơi thở cuối cùng trước khi xe cấp cứu đến.
Thế giới của cô bé Biện Thị Liên đổ sập. "Anh mất khiến em không thở được", Liên nói. "Ngôi nhà vốn đã không có mẹ, cha, giờ mất luôn anh, hệt như tứ phía không còn cánh cửa".

Ba tháng sau, một nhóm người từ KOTO - doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam dạy nghề miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - ghé thăm nhà, mang theo quyết định nhập học cho cậu thiếu niên vừa rời cõi tạm. Họ lặng người trước tin cậu đã không còn.
Nghe tin này, ông Jimmy Phạm, nhà sáng lập KOTO nói: "Người cần giúp đỡ bây giờ là em gái cậu ấy".
Suốt nửa năm đầu ở KOTO, cô gái 16 tuổi sống như cái bóng với những dấu hiệu rất rõ của trầm cảm. Tuần một lần, cán bộ tâm lý của trường tìm cách bước vào thế giới của Liên. Hàng chục buổi trò chuyện trôi qua trong vô vọng. Một buổi chiều, anh Jimmy Phạm trực tiếp ngồi xuống hỏi: "Em có muốn thay đổi cuộc đời mình không?".
Những câu nói như một cú xoáy sâu vào nơi Liên chôn giấu cảm xúc. Cả đêm thao thức, Liên nhận ra "tuổi thơ của mình toàn là bóng tối", nên không muốn tương lai cũng thế.
Hôm sau, cô đến tìm Jimmy, hạ quyết tâm: "Em sẽ cố gắng".
Bước ngoặt khác giúp Liên mở lòng hơn là buổi sinh hoạt lớp mọi người nhận thông báo có thể bị xóa sổ lớp vì nội bộ lục đục và thiếu kỷ luật. Trong lúc tất cả hoang mang, một nam sinh bất ngờ đứng dậy. Chàng trai vốn nhút nhát nhưng giữa mấy chục con người, cậu bắt đầu kể về lý do gần hai năm qua luôn im lặng. Một tuổi thơ đầy giông bão, những tổn thương khiến cậu co mình. Từng câu như dao rạch vào không khí ngột ngạt trong phòng.
Rồi từng người khác đứng lên kể về cuộc đời mình. Mỗi người một nỗi đau, cả phòng thành biển nước mắt. "Lần đầu tiên em nhận ra hóa ra ai vào đây cũng mang trong mình một mất mát. Nhưng nếu không lắng nghe và chia sẻ thì làm sao biết chị mình, em mình đã trải qua những gì?", cô gái quê Hà Tĩnh chia sẻ.
Biện Thị Liên bắt đầu thay đổi suy nghĩ và hành động. Kết quả học tập khởi sắc, cô cũng tham gia các hoạt động vui chơi, văn nghệ và trò chuyện nhiều hơn. Nét buồn trên khuôn mặt dần bị niềm vui, nụ cười thế chỗ.

Năm 2011 tốt nghiệp, Liên lần lượt làm phụ bếp, bếp phó rồi bếp trưởng tại các khách sạn ở Hà Nội và Phú Quốc. Dù cuộc sống không còn thiếu ăn mặc, Liên thừa nhận vẫn còn "con người cũ".
"Tôi yên phận, không dám mơ ước, chỉ muốn cuộc đời cứ bình thường mà trôi", cô nói.
Một lần anh Jimmy đề nghị Liên cùng tham dự một chương trình gây quỹ cho KOTO trong hai ngày tại Hàn Quốc. Trên sân khấu, cô gái trẻ đứng lặng vài giây trước khi kể về tuổi thơ đầy mất mát và ánh sáng mà KOTO đã mang đến.
Sau chương trình, một đối tác mời Liên sang Seoul làm bếp trưởng, phụ trách set-up cho nhà hàng mới của họ. "Tôi tưởng họ nhầm người", cô nói. "Tôi mới vào nghề, tiếng Hàn không biết, làm sao nhận trọng trách đó".
Mặc dù vị trí mới với rất nhiều trở ngại, cô đã nỗ lực mỗi ngày vừa nấu, vừa chỉnh thực đơn, vừa lắng nghe lời khen chê từ thực khách. Sau ba tháng, nhà hàng do cô gái 22 tuổi vận hành ngày càng đông khách.
Chính những trải nghiệm này đã cho Liên can đảm nhận vị trí bếp phó tại một khách sạn lớn giữa phố cổ Hà Nội. Thử thách tiếp tục đến với cô gái trẻ khi bếp trưởng đột ngột xin nghỉ vào mùa cao điểm. Liên buộc phải kiêm luôn vai trò người đứng đầu.
Cô làm việc 7 ngày mỗi tuần, hôm nào cũng nửa đêm mới về. Nhiều lúc cô muốn buông xuôi, nhưng nhìn 90% nhân sự đều là học viên KOTO mới ra trường nên lại cố gắng.
"Tôi tự động viên mình cố gắng, đóng vai người chị cả", Liên chia sẻ. Dần dần, các em của cô cứng cáp, khách sạn hoạt động ổn, còn Liên nhận ra bản thân có thể làm tốt hơn mình nghĩ.

Năm 2022, Biện Thị Liên sang Australia ba tháng để nâng cao tay nghề, từ đó nuôi ước mơ làm việc lâu dài ở nước ngoài. Khi cơ hội đến, cô nghỉ việc hoàn toàn tập trung ôn tiếng Anh và cuối cùng đã nhận được visa lao động lâu dài. Hiện cô gái được làm công việc đam mê, đồng nghiệp tử tế và thu nhập tốt.
Liên kể ngày còn sống, anh trai từng nói sẽ chọn học ngành bếp, nấu ăn thật ngon. Sau này vào KOTO, Liên đã quyết tâm theo nghề bếp không chỉ vì bản thân thích, mà muốn thực hiện giấc mơ còn dang dở của anh.
Từ quê nhà, anh Jimmy Phạm gửi đến người em của mình sự biết ơn và tự hào vì đã tìm thấy Liên, giống như tìm thấy một hạt giống quý giá ẩn mình trong tuyết lạnh. "Mỗi lần ngẫm về hành trình em đã trải qua là một lần trái tim anh tràn ngập tự hào. Em đã tỏa sáng thành một ngọn hải đăng rực rỡ. Anh chỉ có thể tưởng tượng được cha mẹ và anh trai em nhìn xuống từ trên cao, trái tim họ tràn ngập niềm vui", nhà sáng lập KOTO viết.
Cuối năm qua, Biện Liên đã xây lại ngôi nhà tuổi thơ ở vùng quê nghèo Cẩm Xuyên vì muốn có một chốn khang trang thờ ba người thân yêu nhất.
"Giờ đây nhìn lại quá khứ tôi không còn cảm thấy mình là người bất hạnh nữa", cô gái 32 tuổi, nói.
Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ các em, độc giả có thể ủng hộ tại đây:

Nhà khoa học chia sẻ 4 thói quen giúp sống thọ khỏe mạnh
Stacy Andersen, nhà thần kinh học hành vi, Đại học Boston (Mỹ) cho rằng quan trọng không phải sống được bao lâu mà là sống khỏe dù ở độ tuổi nào.