Chiến lược thuế của ông Trump có thể 'lợi bất cập hại'

Ông Trump ca ngợi chiến lược thuế quan mới, nhưng tác động sâu rộng của đòn thuế có thể ảnh hưởng tới mức độ ủng hộ ông và hình ảnh của Mỹ.

06:46 01/05/2025

Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ ngày 30/4 cho biết GDP nước này giảm 0,3% trong quý I, ngược với mức tăng 2,4% trong quý IV/2024. Đây là lần đầu tiên kinh tế Mỹ tăng trưởng âm từ đầu năm 2022, khiến nước Mỹ trên bờ vực của suy thoái về mặt kỹ thuật.

Trước đó một ngày, giới chức Mỹ công bố số liệu cho thấy thâm hụt hàng hóa tháng 3 của nước này lên cao kỷ lục, do nhập khẩu tăng vọt. Các số liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ được ghi nhận sau khi Tổng thống Donald Trump trong quý I liên tục đe dọa và đã áp đặt trong thời gian ngắn mức thuế cao với Canada và Mexico, cũng như tăng thuế quan với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong những ngày đầu quý II, ông Trump ra lệnh áp thuế đối ứng với gần như tất cả đối tác thương mại của Mỹ, trước khi quyết định hoãn thi hành trong 90 ngày, ngoại trừ với Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ đang áp thuế 10% với hàng hóa nhập khẩu từ phần lớn thế giới, còn với Trung Quốc là 145%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại  ngày 29/4. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại ngày 29/4. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ cho hay nước này đang đàm phán thương mại với hàng chục đối tác, thêm rằng Mỹ "sẽ có điều mà không ai có thể mơ tới", đề cập đến những nhượng bộ mà các nền kinh tế có thể phải chấp nhận để được Mỹ hủy thuế đối ứng. Nhưng ông Trump gần đây cũng dịu giọng với Trung Quốc, thậm chí đề xuất giảm thuế cho nước này, khi Bắc Kinh thể hiện lập trường cứng rắn và quyết tâm "đấu đến cùng" với Washington trong cuộc chiến thương mại.

Chính sách áp thuế của chính quyền Trump đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo, không chỉ đẩy giá cổ phiếu xuống thấp mà còn gây ra đợt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Nhà Trắng đối mặt những lời chỉ trích và áp lực từ nhiều thành viên cấp cao đảng Cộng hòa, giám đốc doanh nghiệp và thậm chí cả những cố vấn thân cận như Elon Musk.

Nhiều nhà quan sát cho rằng quyết định này cho thấy "ngưỡng chịu đựng" của ông Trump với cuộc chiến thương mại, sau những biến động thị trường gần đây. Ông Trump đã thừa nhận luôn theo dõi sát sao diễn biến thị trường với quyết định áp thuế của mình, cho hay quyết sách của ông sẽ thay đổi tùy theo biến động của thị trường tài chính.

"Nhiều người có thể cho rằng uy tín của ông Trump với tư cách là bậc thầy đàm phán đã suy giảm. Lần tới, mọi người sẽ ít tin tưởng ông ấy hơn và sẽ chờ đợi thời điểm ông ấy đảo ngược quyết định. Nỗ lực đàm phán của Mỹ chắc chắn sẽ không còn dễ dàng", Moritz Schularick, người đứng đầu Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, nói.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Mỹ đang dần mất niềm tin vào tầm nhìn kinh tế của Tổng thống Trump.

Trong cuộc khảo sát do Reuters/Ipsos công bố hôm 27/4, chỉ 36% người được hỏi hài lòng với cách ông Trump quản lý nền kinh tế, mức thấp nhất trong nhiệm kỳ hiện tại và cả nhiệm kỳ trước đây của ông. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ thắng áp đảo trong cuộc bầu cử nhờ các cử tri bất mãn với nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề lạm phát.

Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, nhận định một điều mà Trung Quốc có thể rút ra từ chiến lược thuế quan của ông Trump là Tổng thống Mỹ sẽ phải lùi bước khi đối mặt hậu quả từ các chính sách mà ông đưa ra, nhất là khi đối mặt với một đối thủ "chơi rắn" như Trung Quốc.

Các nhà kinh tế nhấn mạnh tình hình hiện tại vẫn bất ổn, dù ông Trump đã hoãn áp thuế đối ứng. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư, tăng trưởng và lạm phát trong thời gian tới.

Số liệu mới nhất cho thấy niềm tin tiêu dùng tháng 3 của Mỹ hiện ở mức thấp nhất trong 5 năm. Niềm tin kinh doanh cũng lao dốc. Nhiều hãng hàng không đã hạ dự báo kết quả kinh doanh cho năm 2025, với lý do người dùng có thể ngại chi cho các chuyến bay không cần thiết vì thuế nhập khẩu. Trước đó, các nhà kinh tế học đã cảnh báo thuế nhập khẩu có thể làm tăng chi phí với các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Câu hỏi quan trọng hiện tại là trong ba tháng tới, ông Trump có thể sẽ nhượng bộ ở mức độ nào trước những lo ngại về biến động thị trường, hoặc liệu ông có quyết tâm theo đuổi chính sách thuế quan mạnh tay lần nữa để đạt được các điều khoản thương mại tốt hơn cho Mỹ hay không.

Các trợ lý của ông Trump đã tuyên bố công khai rằng động thái áp thuế và hoãn thuế đã được lên kế hoạch từ lâu. "Điều này xuất phát từ chiến lược của Tổng thống", Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói "nhiều người trong giới truyền thông đã bỏ lỡ 'nghệ thuật đàm phán' của Tổng thống", đề cập đến cuốn sách Nghệ thuật Đàm phán của ông Trump năm 1987. Trong cuốn sách này, ông Trump thảo luận về việc đưa ra những yêu sách áp đảo trong giai đoạn đầu để buộc đối phương phải nhượng bộ khi đàm phán.

Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang , Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP
Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang , Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP

Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả chiến lược đàm phán của ông Trump, đặc biệt khi cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế 125% với hàng hóa Mỹ và chưa có dấu hiệu nhượng bộ bất chấp thông điệp dịu giọng của ông Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định nước này chưa có bất cứ cuộc thương thảo nào với Mỹ về thương mại.

"Dù nền tảng sản xuất của Trung Quốc có thể bị tổn thất nếu xuất khẩu sang Mỹ suy giảm, thuế quan cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở Mỹ. Sự sụt giảm chi tiêu có thể khiến nền kinh tế Mỹ tiến sát bờ vực suy thoái", Stephen Collinson, nhà phân tích của CNN, cảnh báo.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi ông Trump hoãn thuế đối ứng, mức thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng có thể cản trở tăng trưởng và khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu thêm gánh nặng chi phí.

Trong khi đó, ông Trump tuyên bố sẽ "không có gì ngăn cản được mình" và khẳng định đòn thuế sâu rộng của ông với cả thế giới sẽ giúp củng cố nền kinh tế Mỹ. Ông cũng đổ lỗi cho người tiền nhiệm Joe Biden về kết quả ảm đạm của kinh tế Mỹ trong quý I.

"Đây là thị trường chứng khoán của Biden, không phải của Trump. Tôi chưa nắm quyền trước ngày 20/1. Thuế quan sẽ sớm có hiệu lực và các công ty đang chuyển về Mỹ với số lượng kỷ lục", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 30/4. "Nước Mỹ sẽ bùng nổ".

Tuy nhiên, ông cho rằng điều này sẽ "mất thời gian" do phải "loại bỏ tàn dư từ thời Biden", đồng thời nhấn mạnh kết quả kinh tế hiện nay "không liên quan gì đến thuế quan".

"Biden đã để lại cho chúng ta những chỉ số xấu, nhưng khi nền kinh tế bùng nổ trở lại, nó sẽ độc nhất vô nhị. Hãy kiên nhẫn", ông Trump viết.

Dù Nhà Trắng ca ngợi chiến lược áp thuế và nhiều nước có thể sẵn sàng đàm phán, giới phân tích cảnh báo nhiều lãnh đạo thế giới có thể hoài nghi về những cam kết của Mỹ. "Với ông Trump, không có gì đảm bảo rằng một thông báo nào đó sẽ là quyết định cuối cùng", Collinson cho hay.

Thùy Lâm (Theo WSJ, CNN, Newsweek)

Tags:
100 ngày ông Trump khuấy đảo nước Mỹ và thế giới

100 ngày ông Trump khuấy đảo nước Mỹ và thế giới

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ hai, ông Trump nhanh chóng tung loạt quyết sách "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", làm đảo lộn nhiều khía cạnh của đất nước và thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất