Người phụ nữ 'ủng hộ ông Trump hết lòng' dù đối mặt nguy cơ trục xuất

Arpineh Masihi vẫn kiên định với niềm tin của mình về Tổng thống Trump, ngay cả khi cô đang đối mặt nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ.

00:23 14/07/2025

"Ông ấy đang làm điều đúng đắn vì nhiều người trong số này không xứng đáng ở đây", Arpineh nói qua điện thoại từ trung tâm giam giữ người nhập cư Adelanto ở sa mạc Mojave, California, đề cập tới những người nhập cư trái phép. "Tôi sẽ ủng hộ Tổng thống Trump đến cuối đời. Ông ấy đang đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Cách đó 96 km, tại ngôi nhà của cô ở Diamond Bar, thành phố ngoại ô giàu có phía đông hạt Los Angeles, lá cờ in hình ông Trump bay phấp phới trước sân. Những chiếc mũ in thông điệp MAGA đặt trên kệ cạnh album ảnh gia đình.

Ngôi nhà vốn thường xuyên rộn ràng tiếng cười với 4 đứa trẻ và ba chó cưng. Nhưng hiện tại, chồng và mẹ của Arpineh đang phờ phạc, kiệt sức vì lo lắng. "Tổ ấm của chúng tôi đang tan vỡ", Arthur Sahakyan, chồng Arpineh, nói.

Arpineh cùng chồng, Arthur, và các con. Ảnh: BBC
Arpineh cùng chồng, Arthur, và ba con trai. Ảnh: BBC

Ở nhiều khía cạnh, Arpineh, 39 tuổi, là một tấm gương thành công ở Mỹ. Cô là ví dụ điển hình về việc đất nước này đã trao cơ hội thứ hai cho mọi người như thế nào. Mẹ Arpineh rưng rưng nước mắt khi nói về con gái mình, người đã sống ở Mỹ từ năm lên ba.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả với Arpineh. Năm 2008, cô bị kết tội trộm cắp và nhận án hai năm tù. Với lý do này, thẩm phán nhập cư đã thu hồi "thẻ xanh" của cô. Tuy nhiên, vì Arpineh là người Iran gốc Armenia theo đạo Thiên chúa (cộng đồng thiểu số ở Iran), thẩm phán vẫn cho phép cô ở lại Mỹ thay vì bị trục xuất.

"Chúng tôi theo đạo Thiên chúa, cô ấy không thể quay về Iran, không đời nào", Arthur nói.

Từ khi ra tù, Arpineh đã xây dựng lại cuộc đời, khởi nghiệp kinh doanh thành công và lập gia đình. Cô thuộc cộng đồng hàng trăm nghìn người nhập cư Iran đang sinh sống tại Nam California. Khu vực Tây Los Angeles, thường được gọi là Tehrangeles, là nơi có nhiều cư dân gốc Iran sinh sống nhất tại Mỹ.

Một số người, như Arpineh, những tuần gần đây đã bị bắt giam trong các cuộc truy quét nhập cư của chính phủ, khiến thành phố trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Ông Trump đắc cử một phần nhờ cam kết khởi động chương trình trục xuất lớn nhất lịch sử, lời hứa mà Arpineh, chồng và mẹ cô nói rằng họ vẫn hoàn toàn tin tưởng. Gia đình Arpineh cho biết họ tin cuối cùng cô sẽ được trả tự do bởi chỉ những tên tội phạm nguy hiểm, ngoan cố mới thực sự đáng bị trục xuất.

"Tôi không đổ lỗi cho ông Trump. Lỗi thuộc về ông Biden", Arthur nói. "Chính ông ấy đã mở cửa biên giới. Nhưng tôi tin vào hệ thống của chúng ta. Tất cả người tốt sẽ được thả còn những kẻ xấu sẽ bị trả về nước".

Nhưng trong khi nhiều người bị giam không có tiền án, Arpineh lại là một tội phạm đã bị kết án, điều này khiến cô nằm trong danh sách dễ bị trục xuất nhất.

Arthur cho biết anh không rõ chi tiết về vụ trộm năm xưa của vợ. Hai người chỉ nói sơ qua chuyện đó trước khi kết hôn và anh không quá để tâm đến điều mà anh coi là hành vi bồng bột thời trẻ bất cứ ai cũng có thể mắc phải.

Anh khẳng định mình chỉ tập trung vào những việc tốt mà vợ đã làm trong 17 năm qua, như làm tình nguyện viên cho học khu địa phương hay hỗ trợ thực phẩm cho lính cứu hỏa, cảnh sát.

"Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm", anh nói.

Vậy nên, khi Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) gọi cho Arpineh hôm 30/6 lúc gia đình đang ăn sáng, hai vợ chồng nghĩ đây hẳn là một trò đùa.

Nhưng 30 phút sau, các đặc vụ ICE xuất hiện trước nhà họ.

Dù chính quyền Los Angeles, bên có chính sách mềm mỏng với người nhập cư, kêu gọi họ "nắm rõ quyền của mình" và không mở cửa cho đặc vụ ICE, cặp vợ chồng vẫn ra ngoài nói chuyện.

Arpineh giải thích về việc thẩm phán đã cho phép cô ở lại Mỹ vì tình hình ở Iran với điều kiện cô không phạm thêm tội nào khác và phải thường xuyên trình diện các quan chức nhập cư. Cô chứng minh bằng giấy tờ cho thấy lần trình diện gần nhất là vào tháng 4.

Arthur cho biết anh thậm chí còn mời các đặc vụ vào nhà, nhưng họ từ chối. Họ nói với Arpineh rằng tình hình đã thay đổi và họ có lệnh bắt cô.

Các đặc vụ cho phép cô quay vào nhà chào tạm biệt 4 con. Họ nói rằng kể cả nếu Arpineh không ra ngoài, họ vẫn có cách bắt được cô.

"Họ nói với chúng tôi rằng dù thế nào họ cũng vẫn bắt được cô ấy, có thể là khi cô ấy đang lái xe trên phố cùng các con. Chúng tôi đã nghĩ đến những gì mình thấy trên tin tức: Lựu đạn gây choáng, dồn xe vào góc", Arthur kể. Vì thế, họ không muốn mạo hiểm để cô bị bắt một cách bạo lực, nhất là ngay trước mắt các con.

"Vợ tôi vào hôn tạm biệt con", anh nhớ lại. "Cô ấy bước ra ngoài đầy hiên ngang và nói: 'Tôi đây'".

Arthur nhờ các sĩ quan nhập cư không còng tay vợ mình. Họ trả lời rằng điều đó là không thể, song đồng ý làm nó ở phía xa để 4 đứa trẻ không nhìn thấy.

"Tôi biết các con đang nhìn từ trên lầu", anh cho hay. "Tôi không muốn chúng thấy mẹ chúng bị còng tay".

Arpineh sau đó được đưa đến một tòa nhà liên bang ở trung tâm Los Angeles, nơi ICE đang trưng dụng để xử lý những người bị bắt trong các cuộc truy quét khắp khu vực. Tòa nhà này đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình chống ICE làm rung chuyển Los Angeles suốt nhiều tuần qua.

Arpineh nói những người bị giam tại đây "bị đối xử như động vật". Cô phải ở trong một căn phòng lạnh giá, đèn sáng trưng cùng 28 phụ nữ khác suốt ba ngày. Họ chỉ được ăn đồ ăn vặt và uống một chai nước mỗi ngày. Những người phụ nữ phải ôm chặt lấy nhau để giữ ấm và ngủ dưới sàn nhà.

Arpineh nói chuyện với các đặc vụ ICE bên ngoài nhà của cô trước khi bị bắt. Ảnh: BBC
Arpineh nói chuyện với các đặc vụ ICE bên ngoài nhà của cô trước khi bị bắt. Ảnh: BBC

Vì Arpineh nói được ba thứ tiếng, Armenia, Tây Ban Nha và Anh, cô có thể giao tiếp với nhiều phụ nữ khác và động viên họ giúp đỡ lẫn nhau.

Ba ngày sau, giới chức chuyển cô đến Adelanto, trung tâm giam giữ do tư nhân điều hành nằm ở vùng sa mạc phía đông bắc Los Angeles, nơi nổi tiếng với điều kiện khắc nghiệt.

Nhưng Arpineh cho biết điều kiện ở đó tốt hơn nhiều so với những gì họ phải đối mặt ở trung tâm Los Angeles. Giờ đây, cô được ăn ba bữa mỗi ngày, có chỗ tắm rửa và giường nằm. Mặc dù nghe nói việc tiếp cận điều trị y tế rất khó khăn, Arpineh không quá lo lắng vì cô vẫn còn trẻ và khỏe mạnh.

"Song mọi thứ vẫn đầy thách thức đối với tôi", cô cho hay.

Arpineh và chồng khẳng định họ vẫn tin tưởng chính quyền Tổng thống Trump và không từ bỏ hy vọng cô sẽ được trả tự do. "Tôi không thể bị trục xuất về bất kỳ quốc gia nào", cô nói từ trung tâm giam giữ.

Hồi tháng hai, một nhóm tín đồ Thiên chúa giáo Iran đã bị trục xuất sau khi vừa vượt biên từ Mexico vào Mỹ. Tuy nhiên, họ bị đưa đến Panama chứ không phải Iran.

Arpineh vẫn hy vọng được thả, nhưng cô cũng thừa nhận mình đôi lúc cũng cảm thấy nản lòng. Cô nói rất yêu nước Mỹ và cảm thấy bản thân là một người Mỹ, dù chưa có đầy đủ giấy tờ.

Cứ mỗi giờ cô lại gọi điện thoại cho chồng để cập nhật tình hình, dù cho đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin. Arthur cho hay các con họ không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra. Bé gái 4 tuổi không ngừng hỏi khi nào mẹ về nhà.

Cả 4 đứa trẻ đều là công dân Mỹ, sinh ra và lớn lên ở California. Hai vợ chồng tin rằng các quan chức sẽ xem xét điều này khi quyết định số phận của Arpineh.

"Tôi có 4 người con là công dân Mỹ. Tôi sở hữu một doanh nghiệp. Tôi có bất động sản. Tôi có ôtô", Arpineh nói. "Tôi không làm bất cứ điều gì sai trái trong rất nhiều năm rồi".

Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)

Tags:
Bí quyết hạnh phúc của người Đan Mạch

Bí quyết hạnh phúc của người Đan Mạch

Sau bốn năm ở Đan Mạch, giáo sư Marina Cooley, Đại học Emory (Mỹ) nhận thấy lối sống là yếu tố then chốt tạo nên hạnh phúc của người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất