Lý do Tổng thống Trump thích thư tay
Dù rất thích đăng bài trên mạng xã hội, Tổng thống Trump vẫn cho rằng thư tay là cách thức liên lạc chuẩn mực, thể hiện sự trân trọng của người viết.
22:31 11/07/2025
Trong chuyến thăm Nhà Trắng đầu tuần này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Tổng thống Donald Trump tại Phòng Xanh và trao cho ông một bức thư trong chiếc phong bì lớn.
"Tôi muốn trao cho ngài bức thư tôi đã gửi cho Ủy ban Nobel. Tôi đã đề cử ngài cho giải Nobel Hòa bình vì ngài xứng đáng với điều đó. Ngài nên nhận nó", ông Netanyahu nói.

Ông Trump xem lá thư với tiêu đề màu vàng và chữ ký mực xanh. "Chà, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật ý nghĩa", ông Trump nói.
Khi đến Nhà Trắng ngày 27/2, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng mang theo một bức thư tay, trong đó có chữ ký của Vua Charles III cùng lời mời Tổng thống Trump thăm cấp nhà nước tới Anh lần thứ hai.
"Tôi rất hân hạnh được mang theo bức thư từ Đức Vua. Tất nhiên Đức Vua gửi lời chúc tốt đẹp nhất và lời thăm hỏi tới ông, ngài cũng yêu cầu tôi tận tay giao bức thư này cho Tổng thống", Thủ tướng Starmer nói khi trao bức thư cho ông Trump.
"Tôi phải chắc chắn có chữ ký của Nhà Vua trên thư mới được, nếu không bức thư sẽ mất đi ý nghĩa", ông Trump nói khi mở bức thư, rồi giơ trang có chữ ký của Vua Charles III lên. "Đúng là chữ ký đó rồi, phải không? Thật đẹp!".
Ông Trump thường sử dụng nhiều phong cách giao tiếp khác nhau và nhiệm kỳ hai của ông nổi bật với những lần xuất hiện trước máy quay truyền hình, tranh luận với phóng viên. Tuy nhiên, trong những tương tác như với lãnh đạo thế giới, ông luôn dùng đến cách thức trang trọng hơn, đó là thư tay.
Một trong những cách chân thành nhất có thể chinh phục ông Trump là bức thư tay có chữ ký, bởi Tổng thống Mỹ thích những thứ hữu hình, thích được chú ý và "có gì đó để khoe", theo các nhà quan sát.
"Lá thư tay thể hiện sự trang trọng, khác biệt với một bài đăng trên mạng xã hội. Ông ấy không dùng email, không thích nhắn tin với mọi người. Một bức thư sẽ cho thấy sự thành tâm khi bạn phải viết tay hoặc đánh máy nó. Thư cũng thể hiện được sự nghiêm túc của người gửi", John Bolton, từng là cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu, nói.
Một quan chức Nhà Trắng cho hay Tổng thống Trump "thích sự trịnh trọng của những lá thư". Theo ông, trong một thế giới điện tử như ngày nay, thư tay được xem là điều gì đó khá đặc biệt và Tổng thống Mỹ thích việc ai đó dành thời gian để viết thư.
Trong vài ngày qua, ông Trump cũng đã liên tục gửi thư tới hàng chục lãnh đạo quốc gia, thông báo về chính sách áp thuế mới. Ngày 9/7, ông cho biết đã gửi đợt thư báo thuế thứ hai đến 6 quốc gia.
Ông đã yêu cầu đánh máy các bức thư này với tiêu đề Nhà Trắng màu vàng. Tất cả những lá thư đều kết thúc bằng "những lời chúc tốt đẹp nhất" kèm theo chữ ký của ông.
"Như các bạn thấy chúng ta đã có những lá thư tuyệt vời mà Tổng thống đã ký", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói.

Trong những tháng đầu nhiệm kỳ, khi muốn gây áp lực với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei để thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân mới, ông Trump đã gửi thư tới lãnh đạo Iran thông qua trung gian. Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nỗ lực hòa giải với ông Trump sau cuộc đấu khẩu nảy lửa tại Nhà Trắng cuối tháng 2, lãnh đạo Ukraine đã tìm cách xin lỗi qua thư.
Ông Trump lưu giữ nhiều bức thư từ các đồng minh và đối thủ. Trong nhiều thập kỷ, ông đã trao đổi thư từ với nhiều người nổi tiếng và chính trị gia.
Năm 1994, ông viết thư cho Vua Charles, khi đó còn là thái tử Anh, để mời trở thành thành viên danh dự của câu lạc bộ Mar-a-Lago. Năm 1997, ông nhận được thư từ Công nương Diana, cảm ơn ông vì đã gửi hoa nhân dịp sinh nhật.
Ông Trump cũng từng viết cho Bill Clinton năm 2011, cảm ơn vợ chồng cựu tổng thống đã gửi những món quà thủ công từ Haiti.
Trong một bức thư gửi ông Trump, diễn viên Alec Baldwin từng viết "đối với một người đàn ông mạnh mẽ trong thương trường khốc liệt, ông là người ngọt ngào và hào phóng". Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey trong thư gửi ông Trump năm 1997 viết "không có gì hơn việc được đối xử như một nữ hoàng bởi một người đàn ông biết cách hành xử như một vị vua".
Trong nhiệm kỳ đầu ở Nhà Trắng, ông Trump từng rất trân trọng thư từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. "Ông ấy đã viết cho tôi những lá thư tuyệt vời", ông Trump nói về ông Kim, thậm chí nói rằng "chúng tôi đã yêu quý nhau".
Sau khi hết nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2021, ông xuất bản cuốn sách có tựa đề Thư gửi Trump, tác phẩm có giá 100 USD về những bức thư ông từng nhận qua nhiều năm và bình luận của ông về người gửi.
"Chúng tôi có rất nhiều lá thư tuyệt vời từ những người tuyệt vời và cả những người không tốt lắm", ông Trump nói khi phát hành sách.
Tuy nhiên, chính mong muốn lưu giữ những bức thư như vậy đã khiến ông từng đối mặt cuộc điều tra về cáo buộc giữ trái phép tài liệu mật ở dinh thự Mar-a-Lago sau khi rời nhiệm sở. Cơ quan Lưu trữ Quốc gia khi đó nhận thấy một số tài liệu bị thiếu, trong đó có cả thư của ông Kim.

Tình yêu với thư của ông Trump cũng thể hiện rõ ngay trong ngày đầu nhiệm kỳ hai, khi ông nhận được lá thư mà tổng thống Joe Biden để lại trong ngăn kéo Bàn Kiên định.
"Tôi đánh giá cao lá thư", ông Trump nói. Đây có lẽ là những điều tốt đẹp nhất ông từng nói về người tiền nhiệm.
"Có điều gì đó mang phong cách Versailles (phong cách hoàng gia) ở ông Trump và tình yêu với những lá thư tay rất phù hợp với phong thái đó", Timothy Naftali, nhà sử học về tổng thống kiêm nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Quan hệ quốc tế và cộng đồng thuộc Đại học Columbia, nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, AFP)

Đường thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới của cô gái 31 tuổi
Từng bị đẩy khỏi công ty do chính mình đồng sáng lập, Lucy Guo giờ sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới.