'Điều kỳ lạ' khiến cặp vợ chồng Anh định cư ở Việt Nam

Bước vào quán gà nướng, anh Kent Murphy đặt con gái Aoife xuống để cô bé chập chững vài bước rồi sà vào lòng một người phục vụ.

13:06 07/05/2025

Người phụ nữ đón cô bé tóc vàng bằng hai tay, nhấc bổng lên trong khi một nam nhân viên phục vụ khác tiến đến vẫy tay làm "mặt xấu" cho Aoife cười.

"Đó là cách con bé kết bạn với hàng trăm người Việt Nam", anh Murphy, ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, nói.

Cảnh tượng khiến ông bố người Anh nhớ lại thời điểm 9 tháng trước đã vô cùng sốc trước việc người lạ vuốt má, ôm con gái mình - điều trái ngược với văn hóa người Anh.

Vợ chồng Murphy là chủ một doanh nghiệp nhỏ ở London. Năm 2024, khi con gái 6 tháng tuổi họ quyết định làm việc từ xa để đưa con đi "ngao du thế giới". Điểm đến đầu tiên là Dubai (UAE). Dù môi trường sống thuận lợi, cái nóng khắc nghiệt giữa sa mạc khiến gia đình rất ít ra ngoài. Anh Murphy bàn với vợ chuyển đến Đông Nam Á để con được gần thiên nhiên, khí hậu ôn hòa.

Ban đầu họ chọn Thái Lan, nhưng vài tuần trước chuyến đi, một video về Việt Nam thu hút sự chú ý khiến cả hai đổi hướng, quyết định đến Đà Nẵng, nơi có đủ biển, núi và được gọi là "thành phố đáng sống".

Anh Murphy và con gái Aoife ở quán cà phê thuộc TP Đà Nẵng, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Murphy và con gái Aoife ở quán cà phê TP Đà Nẵng, tháng 4/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 9/2024, gia đình anh đến Việt Nam, không có kế hoạch cụ thể, chỉ với mục đích khám phá.

Vợ chồng họ bắt đầu trải qua những bất ngờ.

Đầu tiên, Murphy nhận thấy giao thông ở Việt Nam "rất hỗn loạn" nhưng "có tổ chức". Xe máy ở khắp nơi, không có làn đường rõ ràng, mọi người đi theo đủ hướng. Trong hai tuần đầu, họ cố tìm ra "nguyên lý ngầm" mà bằng cách nào đó, người ta vẫn sang đường được. Một người bạn đã chỉ anh hòa vào dòng người bằng cách đi chậm rãi và tự tin rằng người Việt vẫn luôn chú ý lẫn nhau ở lòng đường.

Ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, anh quan sát đời sống người dân bản địa và thích thú với sự gắn kết mạnh mẽ của cộng đồng. Hàng xóm tụ họp ăn uống, chủ cửa hàng thì nhớ tên Murphy, khiến anh có cảm giác "thực sự thuộc về nơi này".

Điều khiến vợ chồng anh bất ngờ nhất là cách người Việt tương tác với trẻ em. Người đầu tiên là nhân viên bảo vệ ở tòa nhà mà họ sống. Mỗi lần nhìn thấy bé, ông đều cười và tiến đến đập tay. Khi họ đi ngang cửa hàng, vài người níu vợ chồng Murphy lại để "mượn" Aoife ôm và tặng cô bé ít trái cây. Người đi đường không quen biết cũng dừng lại chào hỏi, vuốt tóc và các nhân viên nhà hàng thường dẫn cô bé đi quanh bếp.

"Ban đầu tôi có chút lo lắng và bất an", Murphy nói. Ở Anh, người lạ hiếm khi tương tác với trẻ em vì điều đó bị xem là kỳ lạ, chỉ người thân trong gia đình mới làm vậy.

Nhưng họ không "đòi" lại con, chỉ đứng cạnh quan sát bởi Aoife không tỏ ra sợ hãi. Cô bé bật cười, tỏ ra thích thú. Murphy lên mạng, tìm hiểu nguyên nhân, nhận ra đây là một phần của văn hóa Việt Nam, mọi người tốt bụng và luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em.

Những điều chứng kiến ở Việt Nam khiến ông bố người Anh nhớ đến câu "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ". "Người Việt đã thay đổi quan điểm dạy con trong tôi", Murphy nói.

Vợ chồng anh quyết định ở lại Việt Nam lâu dài.

Aoife sinh ra ở Trung Đông, vốn quen với thời tiết nóng ẩm nên hoàn toàn thích nghi với khí hậu Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn ăn dặm, vợ chồng Murphy lo lắng và được khuyên cẩn thận với ngộ độc thực phẩm.

Ở Anh, khi gọi món gà, họ chỉ dùng cánh, đùi hoặc ức, nhưng tại Việt Nam, họ nhận được cả đầu, chân và tim. Lúc đầu, vợ chồng anh đều sốc nhưng vẫn thử và sau hai tháng, nó trở thành món ăn bình thường với cả nhà.

Họ học theo phong cách dạy con của người Việt rằng "không bao giờ làm phức tạp mọi thứ". Aoife ăn những gì bố mẹ ăn, rau củ và thịt mua ở chợ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn. "Chúng tôi an tâm bởi chúng rất tươi và được trồng ở địa phương", anh nói. Họ mở rộng vị giác cho cô bé bằng cách ăn đa dạng, thậm chí thử sầu riêng, món ăn "rất khó nuốt" với người phương Tây.

Khi Aoife chập chững tập đi, vợ chồng Murphy kết bạn với nhiều người Việt hơn một cách ngẫu nhiên, bất ngờ.

Họ thường đi ngang quán cà phê nhỏ, nơi một gia đình bốn thế hệ sống cùng nhau. Lần đầu, Murphy ngồi uống nước, chủ quán mang ra ít trái cây cho Aoife thử và tặng cô bé món đồ chơi. Vài ngày sau, Murphy mang bánh quy sang, họ cùng ngồi ăn trên bàn tròn, dùng Google dịch để trò chuyện. Trong lần thứ ba, anh ngạc nhiên khi gia đình này mời nhà anh ăn bánh canh. Và cuối cùng, họ nói "Hãy xem chúng tôi như gia đình của anh".

Anh Murphy và con gái Aoife ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Murphy và con gái Aoife ở Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau nửa năm ở Đà Nẵng, người đàn ông Anh nhận ra gia đình là điều quan trọng nhất của người Việt. Trẻ con quê hương anh thường chơi điện thoại và xem TV. Nhưng ở đây, công viên đầy trẻ em chơi ngoài trời, các ông bố, bà mẹ kiên nhẫn đợi chúng.

Murphy vẫn nhớ ở Anh, việc để con khóc nơi công cộng có thể khiến bố mẹ chúng xấu hổ và lo lắng. Trên Tik Tok, anh vẫn nhận được nhiều bình luận nói rằng họ không bao giờ muốn đi du lịch hay lên máy bay với em bé bởi điều đó gây phiền hà. "Nhưng ở Việt Nam, nếu con bạn khóc, mọi người sẽ đến giúp đỡ", Murphy kể. Họ mỉm cười, cố gắng dỗ dành đứa trẻ giúp cha mẹ chúng khiến Murphy rất ngạc nhiên.

Những điều đó khiến vợ chồng anh tự tin đăng ký cho con học ở trường mẫu giáo địa phương, nơi cô giáo và các bạn đều nói tiếng Việt.

Ban đầu, họ gặp khó khăn bởi giờ học ở Việt Nam bắt đầu khá sớm. Murphy nhận ra mình bắt đầu giống các ông bố Việt, dậy sớm đưa con đến trường rồi ngồi quán cà phê, cách trường vài km làm việc và canh đúng giờ đón con về.

Aoife đã tập đi và tập nói những từ đầu tiên ở Đà Nẵng. Hai tuần trước, lúc tan trường gặp bố, cô bé bập bẹ câu "đi về".

"Ngôn ngữ con bé pha lẫn tiếng Anh và tiếng Việt nhưng chúng tôi hài lòng với điều đó", anh nói. "Con bé hạnh phúc và tự tin hơn bởi được hàng chục người Việt xem như con của họ".

Ngọc Ngân

Tags:
'Hoa hậu đẹp nhất Hong Kong' hé lộ biệt thự hơn 100 triệu USD

'Hoa hậu đẹp nhất Hong Kong' hé lộ biệt thự hơn 100 triệu USD

Lý Gia Hân, "Hoa hậu đẹp nhất Hong Kong", tiết lộ với khán giả biệt thự hơn 100 triệu USD, có sân cỏ hướng biển.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất