Đàm phán thế nào với Mỹ?
Thông tin về việc Mỹ dự kiến áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam gây sốc cho rất nhiều người.
13:25 03/04/2025
Chính quyền Trump đã đưa ra ý tưởng về thuế quan đối đẳng từ nhiều tháng nay và các chuyên gia cũng đã có nhiều nhận định, phán đoán, từ bi quan đến lạc quan. Nhưng mức thuế 46% thì tôi thấy khó ai có thể tưởng tượng ra.
Mức thuế này dự kiến áp lên hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4 tới đây, tức là một tuần nữa.
"Tác động sẽ rất khủng khiếp" - nếu điều này xảy ra, chủ một doanh nghiệp chia sẻ với tôi.
Chúng tôi thử nhẩm tính một con số để minh họa cho sự khủng khiếp đó: Giả sử kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, 119 tỷ USD mỗi năm, và mức 46% được áp cho hầu hết mặt hàng, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.
Trước đây, có người cho rằng Mỹ áp thuế Việt Nam cũng không vấn đề gì, vì Mỹ cũng sẽ áp thuế tương tự với nước khác, nên hàng của Việt Nam sẽ không giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, điều khó lường đã diễn ra khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta: Bangladesh 37%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Pakistan 29%, Ấn Độ 26%, Malaysia 24%, Philippines 17%... Mức thuế dự kiến áp cho Việt Nam nằm trong số các nước cao nhất, cùng với Campuchia (49%), Lào (48%), Sri Lanka (44%), Trung Quốc (34% - mức thêm vào, trên 20% đã có).
Như vậy, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối thủ chính. Các ngành hàng bị thiệt hại nặng nhất sẽ là đồ điện, điện tử, dệt may, da giầy, nội thất...
Tác động trước mắt đối với doanh nghiệp là sẽ phải chấp nhận giảm giá bán những đơn hàng đã có, chia sẻ một phần tiền thuế này với nhà nhập khẩu bên Mỹ hoặc chấp nhận đối tác hủy đơn hàng. Tiếp theo, đơn hàng sẽ sụt giảm mạnh và các doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động. Về lâu dài, sản xuất và đầu tư sẽ dịch chuyển khỏi Việt Nam sang các nước khác. Tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng lớn.
Việt Nam sẽ làm gì trong một tuần tới?
Sáng nay, Thủ tướng họp. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, theo kế hoạch từ trước, sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Mỹ từ 6 đến 14/4. Trong các cuộc đàm phán với Mỹ sắp tới, nói theo cách của Tổng thống Donald Trump, có những "quân bài" nào trên bàn?
Phương án đầu tiên, dễ nhìn thấy nhất theo nguyên tắc "có đi có lại", là giảm thuế cho hàng Mỹ. Việc này chúng ta đã làm. Ngày 31/3 vừa rồi Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với nhiều mặt hàng mà Mỹ có lợi thế. Nhưng với mức giảm từ 2% đến 25%, cộng với kim ngạch hàng Mỹ vào Việt Nam chỉ hơn chục tỷ USD, thì số tiền Việt Nam giảm cho hàng Mỹ chắc chỉ tính đến đơn vị triệu USD. Trong khi đó, Mỹ định áp thuế khoảng hơn 50 tỷ USD với hàng hóa Việt Nam.
Mua sắm công là phương án tiếp theo mà Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình đàm phán với Mỹ. Chính phủ Việt Nam, trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp Nhà nước, sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, một số loại vũ khí, năng lượng, thiết bị điện...
Nhưng giải pháp này cũng có hai mặt, phải đảm bảo cân bằng giữa mở cửa thị trường mua sắm công cho Mỹ, với tối đa hóa lợi ích và bảo vệ được doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, tiến trình đàm phán các hợp đồng này dường như vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi.
Vì vậy, phương án này sẽ cần tới những tính toán quyết đoán, kết hợp với việc triển khai các hành động nhiều hơn và nhanh hơn để giải quyết các nút thắt.
Ngoài con số 46% thì con số 90% - được giải thích là kết quả của phép tính dựa trên thâm hụt thương mại giữa hai nước - cũng gây bối rối. Công thức tính mà phía Mỹ đưa ra có thể bao gồm nhiều yếu tố khó định lượng khác nữa. Nếu các cuộc đàm phán đề cập đến vấn đề "tiền tệ", Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng tỷ giá tiền VND so với USD sắp tới, bao gồm cả khả năng sử dụng dự trữ ngoại hối.
Nhưng câu hỏi là sẽ phải tăng lên mức bao nhiêu, bởi nếu tăng nhanh, tăng gấp thì tác động đến nền kinh tế cũng sẽ rất lớn.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều giải pháp khác có thể sử dụng, như mở cửa cho nhà đầu tư Mỹ, gỡ bỏ rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt... Nhưng nhược điểm của chúng là nằm trong tương lai xa. Trong một tuần tới, với các phương án này, Việt Nam chỉ có thể đưa ra cam kết chứ chưa có ngay hành động cụ thể.
Những ngày tới sẽ là khoảng thời gian rất căng thẳng cho các nhà chức trách cũng như giới doanh nhân . Chủ doanh nghiệp trên chia sẻ với tôi, ngay từ sáng sớm nay, công ty anh đã tiến hành hàng loạt cuộc trao đổi với các bạn hàng từ Mỹ; không chỉ về các đơn hàng vừa ký, mà cả giải pháp cho mối hợp tác sắp tới. Lo lắng đến từ cả hai phía, không riêng với các chủ doanh nghiệp . Nhưng nhiều người trong số họ có hy vọng chung: đây có thể là động thái "giơ cao" trước khi vào bàn đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump.
Tôi và doanh nhân kể trên cố giữ niềm tin rằng không phải mặt hàng nào cũng bị áp mức 46%, và 46% nhiều khả năng cũng không phải con số cuối cùng. Vẫn còn không gian để thương lượng, nhưng áp lực lên các nhà đàm phán Việt Nam sẽ là rất lớn.
Nguyễn Minh Đức

Ông Obama xin lỗi vì 'chen chân' vào ảnh hai em bé ngắm hoa
Cựu tổng thống Mỹ để lại lời xin lỗi vì vô tình có mặt trong bức ảnh gia đình khi đang dạo bước ngắm hoa anh đào ở Washington DC.